Nếu bạn cần một câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi giải pháp IoT là gì thì dưới đây là câu trả lời:
Giải pháp IoT (hay IoT Solution) là một gói công nghệ tích hợp liền mạch, bao gồm nhiều cảm biến, mà các tổ chức có thể mua để giải quyết vấn đề của tổ chức hoặc tạo ra giá trị mới cho tổ chức. Nhưng nếu bạn muốn câu trả lời cụ thể và rõ ràng hơn, hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua nội dung bên dưới.
Các ngành công nghiệp mới, ngôn ngữ mới
Trong giai đoạn đầu của một ngành công nghiệp mới nổi, người ta đều muốn hiểu những khái niệm nói về nó? Việc hiểu rõ các từ và cụm từ cực kỳ hữu ích vì chúng giúp giảm hiểu lầm và làm cho các cuộc hội thoại hiệu quả hơn. Thay vì phải mất thời gian khi dành 30 phút chỉ để hiểu những khái niệm mà người khác nói, bạn có thể đi thẳng vào cuộc thảo luận. Thật vậy, đây là mục đích của ngôn ngữ nói chung. Ngôn ngữ là một giao diện giao tiếp chung cho phép chúng ta chia sẻ lượng thông tin lớn và các ý tưởng phức tạp một cách hiệu quả.
Sự ra đời của các ngành công nghiệp mới đi kèm với các khái niệm mới và công nghệ mới đòi hỏi ngôn ngữ mới phù hợp. Các cụm từ như trình duyệt web, ứng dụng di động không cần thiết vào thời điểm cách đây 30 năm. Nhưng ngày nay chúng có giá trị vì chúng là một từ viết tắt ngắn gọn và khi nhắc đến thì chúng ta hiểu ngay đang nói về cái gì.
Một khía cạnh hấp dẫn khác là các từ và cụm từ mới có đặc điểm của hiệu ứng mạng. Khi nhiều người sử dụng một từ và cụm từ nhất định, từ và cụm từ cụ thể đó sẽ trở nên có giá trị hơn để sử dụng vì nó được nhiều người hiểu hơn. Và một từ hoặc cụm từ càng được hiểu phổ biến thì càng có nhiều người sẽ sử dụng nó. Kết quả cuối cùng là một, có thể hai từ hoặc cụm từ chiếm ưu thế cho một khái niệm nhất định.
Chúng ta chỉ mới ở giai đoạn đầu của IoT và sẽ chứng kiến sự bùng nổ của IoT trong 5 năm tới. Hiện tại chúng ta đã thấy một số từ và cụm từ chiếm ưu thế trong IoT. Một trong số đó là Giải pháp IoT hay IoT Solution.
Phần dưới đây sẽ mở rộng thêm về giải pháp IoT là gì và bao gồm một số ví dụ, nhưng trước tiên cần tìm hiểu sơ qua về lịch sử của nó.
Bài học từ lịch sử
Mặc dù thuật ngữ IoT tương đối mới, nhưng những gì nó đề cập đến thì không mới. Machine-to-Machine (M2M) đã xuất hiện từ năm 1970 và khái niệm cơ bản về các máy tính mạng vượt khoảng cách đã tồn tại kể từ khi internet ra đời. Mỗi công nghệ mới là sự kết hợp của các công nghệ trước nó, và không có công nghệ nào tự nhiên xuất hiện mà không dựa vào cái gì cả. Vì vậy, để thảo luận về lịch sử của IoT, chúng ta cần chọn một ngày. Thuật ngữ IoT đã được đặt ra vào năm 1999, nhưng hãy bắt đầu vào năm 2014 lúc IoT đang ở đỉnh cao của sự quan tâm khi người ta cường điệu hóa về nó quá nhiều.
Sự ồn ào xung quanh IoT đã dẫn đến việc thành lập nhiều công ty khởi nghiệp. Nhiều công ty trong số này được tài trợ bởi đầu tư mạo hiểm. Các quỹ đầu tư mạo hiểm tìm kiếm những cơ hội có lợi nhuận cao để bù đắp cho những tổn thất không thể tránh khỏi từ các khoản đầu tư khác trong danh mục đầu tư của họ. Điều này có nghĩa là các quỹ đầu tư mạo hiểm ưu tiên các cơ hội hứa hẹn tăng trưởng lớn (lợi nhuận gấp 10 lần) trong khoảng thời gian tương đối ngắn (5-10 năm). Các công ty Internet là sự lựa chọn hoàn hảo cho các quỹ này vì các công ty này cần các khoản đầu tư trả trước rất lớn (mà quỹ đầu tư cung cấp) cho cơ sở hạ tầng nhưng chi phí phân phối cận biên bằng không (tức là khi bạn đã xây dựng cơ sở hạ tầng thì thêm một người dùng cũng không tốn gì). Điều này cho phép tăng trưởng theo cấp số nhân và lợi nhuận đầu tư lớn.
Điều không may là phần lớn các công ty IoT được tài trợ mạo hiểm vào khoảng năm 2014 đã không đạt được sự tăng trưởng theo cấp số nhân và lợi nhuận khổng lồ.
Thời điểm mới là quan trọng
Thời gian là lý do lớn nhất khiến các công ty khởi nghiệp thành công hay thất bại và năm 2014 là quá sớm đối với các công ty khởi nghiệp IoT do quỹ đầu tư mạo hiểm tài trợ. Nhiều công ty khởi nghiệp IoT đã tiếp cận với IoT chỉ theo hướng một thành phần công nghệ, và đó chỉ là một mảnh ghép của IoT (cho dù đó là cảm biến, giao thức mạng hoặc nền tảng phần mềm) và không kết hợp tất cả các thành phần đó cùng với nhau. Điều này là do tại thời điểm đó việc tích hợp tất cả các thành phần khác nhau của IoT đòi hỏi rất nhiều nhân lực không thể mở rộng quy mô theo cấp số nhân (nghĩa là để cung cấp nhiều dịch vụ hơn thì cần thuê thêm người).
Khi các cá nhân hoặc tổ chức phải tích hợp nhiều thành phần công nghệ khác nhau lại với nhau để đạt được giá trị thực, sẽ chỉ có một số trong đó có thể làm được và thành công. Và chỉ đến khi thời điểm đã chín muồi, khi mà các thành phần đã được chuẩn hóa, kết hợp với nhau và dễ sử dụng thì ngành công nghiệp mới thực sự có thể cất cánh và đạt được sự chấp nhận hàng loạt. Có thể lấy ví dụ từ lịch sử thời điểm ban đầu của internet.
Thưở ban đầu của internet
Vào năm 1993 để kết nối với internet thì trước tiên người ta phải đến hiệu sách và mua một cuốn sách có tên là Cách sử dụng Internet, và sẽ có một đĩa mềm ở mặt sau của cuốn sách. Đĩa mềm sẽ có phần mềm để tải vào máy tính cá nhân. Bạn phải trải qua hàng chục bước và cài đặt lại hệ điều hành. Sau đó, bạn phải đi mua modem từ cửa hàng máy tính, cắm nó vào máy tính, sau đó cấu hình máy tính và modem có thể làm việc với nhau và công việc này cũng lên tới hàng chục bước. Tiếp theo bạn phải đăng ký một nhà cung cấp dịch vụ internet, bằng cách tìm trên trang vàng và gọi cho họ. Tất cả điều này có thể mất vài tuần. Như vậy thì cuối cùng cái gì đã dẫn đến việc internet được sử dụng phổ biến hiện nay? Đó chính là việc tiêu chuẩn hóa và đóng gói tất cả các thành phần này cộng với giao diện dễ sử dụng ở dạng trình duyệt web.
Trong nhiều năm qua, IoT giống như internet ở thời điểm ban đầu. Tuy Iot đã có ở cấp độ tổ chức vì một số tổ chứng đã sớm bắt đầu có IoT mặc dù vẫn còn rất khó khăn để sử dụng. IoT vẫn chưa đạt được quy mô lớn và áp dụng hàng loạt.
Giải pháp là giải pháp
Trước hết cần lặp lại định nghĩa về giải pháp IoT: Giải pháp IoT là một gói công nghệ tích hợp liền mạch, bao gồm nhiều cảm biến, mà các tổ chức có thể mua để giải quyết vấn đề tổ chức hoặc tạo ra giá trị mới cho tổ chức.
Khi IoT là một gói tích hợp liền mạch thì nó thực hiện hai điều quan trọng sau:
Nó cho phép các tổ chức có thể hiểu được. Trước khi bạn đầu tư vào một cái gì đó, bạn cần phải hiểu giá trị. Nếu theo cách tiếp cận chỉ một thành phần công nghệ trong thị trường còn sơ khai, bạn sẽ buộc khách hàng tiềm năng phải tự thấy giá trị và tự kết nối các thành phần lại với nhau. Hầu hết không thể hoặc không muốn làm việc này. Có thể lấy ví dụ như việc cố gắng bán cho người tiêu dùng một cái modem vào năm 1993 trong khi họ không hiểu về internet.
Nó đơn giản hóa việc mua bán. Phải làm việc với nhiều nhà cung cấp cho mỗi một thành phần công nghệ là một vấn đề khá nhức đầu và cũng là rủi ro cho các tổ chức. Tốt hơn cả là chỉ làm việc với một nhà cung cấp có tất cả trong một gói tích hợp sẽ giúp đơn giản hóa quá trình mua hàng. Một trong những thách thức lớn nhất trong việc bán giải pháp IoT là hoàn thành hợp đồng để có thể bán cho các tổ chức vì chu kỳ bán hàng có thể mất vài tháng.
Giải quyết vấn đề tổ chức hoặc tạo ra giá trị tổ chức mới
Chúng ta đã tìm hiểu về nhóm công nghệ và các công nghệ tích hợp liền mạch trong khái niệm về giải pháp IoT. Nhưng còn về giải quyết vấn của tổ chức và tạo ra giá trị tổ chức mới là gì? Hãy cùng xem một số ví dụ:
Ví dụ về giải pháp IoT # 1 - Giám sát điện lạnh
Vấn đề
Trong ngành dịch vụ thực phẩm, nếu nhiệt độ của các đơn vị làm lạnh giảm xuống dưới một ngưỡng nhất định, tất cả thực phẩm coi như phải bỏ đi toàn bộ. Để chắc chắn rằng điều này không xảy ra, người ta sẽ tự kiểm tra nhiệt độ trong tủ lạnh và ghi chúng vào một tờ giấy. Cách tiếp cận này rất tốn kém, nó không kiểm tra được theo thời gian thực và hay bị lỗi.
Giải pháp
Sử dụng các cảm biến để đo nhiệt độ trong các đơn vị làm lạnh và tự động kích hoạt cảnh báo nếu nhiệt độ xuống dưới ngưỡng cài đặt. Các tài nguyên được sử dụng để thuê người kiểm tra như cách tiếp cận ban đầu có thể được sử dụng ở nơi khác và việc theo dõi và cảnh báo theo thời gian thực sẽ làm giảm đáng kể các vấn đề nghiêm trọng.
Ví dụ về giải pháp IoT # 2 - Theo dõi tài sản xe ô tô
Vấn đề
Tại các đại lý ô tô hoặc các đơn vị bán đấu giá xe ô tô, việc tìm một chiếc xe trên một bãi đậu xe lớn với hàng trăm hoặc hàng ngàn chiếc ô tô là vô cùng khó khăn. Ô tô có thể bị di chuyển một cách vô tình, và sau đó khi đến lúc muốn tìm chiếc ô tô cụ thể nào đó (cho khách hàng lái thử), thì lại không tìm được. Để chắc chắn rằng điều này không xảy ra, người ta sẽ quét thủ công từng chiếc xe mỗi ngày để ghi lại vị trí. Cách tiếp cận này rất tốn kém, không thể theo dõi trong thời gian thực, dễ bị lỗi và có thể làm ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm của khách hàng.
Giải pháp
Sử bộ phận theo dõi trên ô tô để có được vị trí GPS và tự động cập nhật trên màn hình cho phép người dùng biết chính xác vị trí của mọi chiếc xe theo thời gian thực và không lãng phí hàng giờ để tìm kiếm một chiếc xe cụ thể. Các tài nguyên được sử dụng để thuê những người quét từng chiếc xe ô tô hoặc đi tìm xe ở chỗ nào có thể có thể dùng vào việc khác.
Tạo giá trị mới
Một trong những điều thú vị nhất của giải pháp IoT là giá trị có thể được tạo ra ngoài vấn đề cấp thiết mà giải pháp IoT ban đầu được dùng để giải quyết. Đi từ thu thập dữ liệu thủ công của mọi người sang thu thập dữ liệu tự động bằng cảm biến cũng giống như chuyển từ thư giấy sang email. Lúc đầu, email chỉ là một phiên bản tốt hơn của thư giấy vì nó rẻ hơn và nhanh hơn. Nhưng nếu bạn đào sâu hơn, bạn sẽ thấy rằng email mở ra những khả năng hoàn toàn mới. Bạn có thể lưu trữ tất cả ở một nơi, bạn có thể tìm kiếm, bạn có thể tự động hóa và bạn có thể gửi cùng một tin nhắn cho nhiều người cùng một lúc và sau đó những người này sẽ trả lời cùng một chủ đề bạn gởi.
Trong IoT có thể lấy ví dụ từ giải pháp Theo dõi Tài sản Xe ở trên. Vấn đề ban đầu là tìm xe, nhưng khi đơn vị đấu giá hoặc đại lý có quyền truy cập vào vị trí thời gian thực của tất cả các xe ô tô sẽ mở ra những khả năng và cơ hội hoàn toàn mới để tạo ra giá trị. Với thông tin địa điểm theo thời gian thực, đơn vị đấu giá và đại lý có thể:
Theo dõi xe ô tô qua các giai đoạn khác nhau trong quy trình để xác định chỗ nào không hiệu quả và để kích hoạt cảnh báo nếu xe ở trong một giai đoạn nhất định quá lâu.
Cảnh báo kích hoạt nếu một chiếc xe được đưa ra khỏi vị trí quy định, để ngăn chặn trộm cắp.
Tự động tối ưu hóa đường đi khi di chuyển phương tiện khi sắp chuẩn bị đấu giá.
Cung cấp một ứng dụng web cho khách hàng để họ tự tìm xe. Ví dụ: tại một cuộc đấu giá tự động, người đấu giá có thể muốn kiểm tra chiếc xe mà họ quan tâm.
Vân vân…
Kết luận
Hiện tại, cách kiếm tiền trong IoT là đóng gói và gói đó là giải pháp IoT. Nhiều công ty IoT ban đầu đã thất bại vì họ đã cố gắng gói quá nhiều (ví dụ: triển khai mạng LPWAN trên toàn quốc có chi phí quá cao) hoặc gói quá ít (ví dụ: chỉ cung cấp cảm biến khiến doanh nghiệp mua về không biết sử dụng như thế nào).
Các giải pháp IoT là các gói tập trung vào các vấn đề cụ thể và liên kết chặt chẽ nhiều công nghệ với nhau để dễ định giá và dễ mua cho các tổ chức. Khi thị trường IoT và hệ sinh thái trưởng thành, điều này có thể sẽ thay đổi, nhưng hiện tại, các giải pháp IoT chính là chìa khóa.